Du Lịch Xứ Tây Đô Cần Thơ

Chắc hẳn ai đã từng đi đến Cần Thơ đều được nghe những câu thơ câu hát ngọt ngào về con người, khung cảnh êm đềm, xinh tươi và vô cùng bình yên nơi đây. Điểm đến đầu tiên trong hành trình du lịch miền tây sông nước, mình xin mượn câu thơ để nói về chợ nổi Cái Răng:
“Khi đất nước đang không ngừng thay đổi,
Sẽ có muôn ngàn siêu thị mọc lên.
Nhưng lòng tôi mãi không quên
Bốn bề “Chợ Nổi” - bồng bềnh trên sông!”
(Thương về Chợ Nổi- Diệp Vàm Cỏ)
Nếu như ở các vùng miền núi phía Bắc có những chợ phiên nhiều sắc màu, thì ở miền Nam lại thu hút du khách bởi “đặc sản” chợ nổi, trong đó ấn tượng nhất với mình chợ nổi Cái Răng - một địa điểm không thể bỏ qua khi có dịp du lịch xứ Tây Đô.

Chỉ mất khoảng 30 phút ngồi thuyền từ bến Ninh Kiều theo dòng sông Hậu xuôi về chợ nổi. Chợ họp từ tờ mờ 4-5 giờ sáng đến khi mặt trời đứng bóng, vì thế hãy đến thật sớm để cảm nhận sự đặc biệt cùng với người dân nơi đây.
Trong không khí se lạnh của buổi sớm mai lãng đãng hơi sương, hương phù sa ngan ngát của dòng sông huyền thoại, hàng trăm thuyền bè thúng mủng lớn nhỏ từ các nơi đổ về tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, hối hả, tiếng nước mơn man mạn thuyền, tiếng người mua hàng í ới… tạo nên một hợp âm vô cùng khó tả.
Nếu bạn đi theo nhóm thì có thể thuê thuyền riêng để thoải mái cho việc ghé ăn uống trên chợ cũng như thời gian khám phá được linh hoạt hơn nhé. Mình thuê thuyền của gia đình cô Mai (cô khá nổi tiếng với những bạn phượt Cần Thơ :D). Chồng cô làm thuyền trưởng chở tụi mình ra chợ, dọc đường đi nghe chú giới thiệu về nguồn gốc, cách thức buôn bán của chợ nổi Cái Răng & được chú chở đến khu xóm làm hủ tiếu - 1 điểm trải nghiệm thú vị khác gần chợ nổi.
"Hãy thử 1 lần trải nghiệm cảm giác ăn trên các ghe hàng ở chợ nổi."
Mình không thể nào quên cảm giác ngồi trên chiếc thuyền nhỏ chòng chành trên dòng nước vào buổi sáng sớm tinh mơ, không khí mát mẻ, ngắm nhìn khung cảnh tấp nập tàu bè và thưởng thức bát bún riêu đậm chất miền Tây. Qua trò chuyện, mình được biết bà Điệp là người địa phương đã hơn 35 năm buôn bán trên chợ nổi. Gian hàng lưu động của bà là những món ăn đậm chất Nam Bộ như: bún riêu, bún thịt nướng, hủ tiếu…
Không biết có phải vì lần này mình đến Cần Thơ vào “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà mọi nẻo đường đều rực rỡ sắc màu hoa lá, khắp phố phường vẫn vang tiếng đờn ca tài tử, nghe đâu đó những bài tân cổ giao duyên tạo nên 1 không gian lãng mạn, bình yên. Mình như trút bỏ những ưu tư, phiền muộn và mệt mỏi của cuộc sống.
Mình vẫn luôn thích chạy xe 1 vòng cùng chúng bạn, lượn quanh thành phố để ngắm hoàng hôn, cảm nhận được nhịp sống đang trôi, người người cười cười nói nói hay chỉ đơn giản là hít hà mùi đồ ăn thơm ngon khó cưỡng.
Gác lại 1 buổi chiều lãng mạn, tối đến Tây Đô lại khoác lên một vẻ đẹp tráng lệ không khác gì phố Tạ Hiện Hà Nội, Bùi Viện Sài Gòn là bao. Mình được hòa nhập vào cuộc sống sôi động với những gian hàng chợ đêm sầm uất.
Bến Ninh Kiều chính là biểu tượng tiêu biểu & nổi tiếng nhất của thủ phủ Tây Đô và niềm tự hào của mỗi người dân Cần Thơ. Một bến tàu thơ mộng bên dòng sông Hậu trữ tình, hiền hòa, luôn là trung tâm nhộn nhịp nhất của thành phố với cảnh thuyền bè qua lại tấp nập, những nhà hàng nổi đặc trưng sông nước. Nơi này còn được các bạn trẻ đặt biệt yêu thích.
“Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp, có nhiều giai nhân”
Về xứ Tây Đô, ngoài ghé thăm chợ nổi Cái Răng, đến bến Ninh Kiều, một điểm hấp dẫn khác không thể bỏ lỡ chính là nhà cổ Bình Thủy có tuổi đời gần 150 năm, kiến trúc mang đậm dấu ấn Đông Tây. Đây là ngôi nhà phá vỡ quy tắc 3 gian truyền thống quen thuộc. Ngôi nhà có diện tích 6.000 mét vuông được thiết kế chia thành 5 gian. Quanh sân bao bọc bởi cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, hoa nở rộ bốn mùa. Khiến cho ngôi nhà vừa mang nét hoài cổ kính đáo vừa sống động, thơ mộng và tươi mới.
Khi đến thăm Nhà Cổ Bình Thủy, mình như “xuyên không” về bối cảnh quá khứ xa xưa, đắm chìm trong cuộc sống sang giàu của các gia đình trưởng giả Nam Bộ. Mỗi du khách sẽ được nghe cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình Nam Bộ hơn 100 năm về trước qua lời kể mộc mạc của gia chủ & cô hướng dẫn viên dễ mến.
Đây còn là phim trường cho những bộ phim kinh điển nói về Miền Tây Nam Bộ xưa.
Vé tham quan nhà cổ Bình Thủy là 20.000đ/ người.
Vì ngôi nhà cổ này là di sản thuộc sở hữu tư nhân của gia tộc họ Dương nên có thể xem như tiền xin phép gia chủ vào tham quan ngôi nhà và thời gian tham quan không giới hạn.
Với mình thì nét duyên níu lòng của Cần Thơ chính là nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Nem nướng Cái Răng, chuối nếp nướng, ốc bươu nướng tiêu, bánh cống, bánh tằm bì, lẩu mắm, ba khía rang me, lẩu bần phù sa…đều là những hương vị quê Hương, món ngon dân dã tạo nên cái hay, cái quyến rũ của mảnh đất Tây Đô.
Cần Thơ tuy không khoa trương, tráng lệ như những nơi khác nhưng ở đây có một thứ gì đó rất gần gũi, nhẹ nhàng, chân chất và đầy bình dị khiến mình nhớ mãi.
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về"
Thật tiếc là mình không đến đây đúng dịp Lễ Thượng Điền và Lễ Hạ Điền vào tháng Tư & tháng Chạp để ghé thăm lễ hội lớn nhất ở miền Tây. Nhưng cũng vì vậy nên mình có hẹn với Tây Đô thêm 1 lần nữa.
Còn bạn, bạn đã đến xứ Tây Đô bao giờ chưa ?